Đạo Dừa là gì?
- Đạo Dừa hay Đạo Vừa – Hòa đồng Tôn giáo (The Coconut Monk) là một giáo phái do Nguyễn Thành Nam (1910 – 1990) sáng lập tại Bến Tre, là một trong nhiều tôn giáo đã từng tồn tại ở miền nam Việt Nam trước 1975.
- Đạo Dừa chủ trương hòa đồng tôn giáo, tổng hợp tinh hoa của nhiều tôn giáo khác như: Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo,… Nên ngay cả câu niệm của Đạo Dừa cũng thể hiện một sự kết tinh rất đặc biệt đó là: “Nam vô Phật Chúa cứu khổ cứu nạn Amen”.
- Đạo Dừa không cần tụng kinh, gõ mõ mà chỉ cần ngồi tham thiền và ăn chay, tưởng niệm,… và khuyến khích người đời sống tôn trọng lễ nghĩa và yêu thương nhau, cư xử hòa mục với nhau. Về thực phẩm, Đạo Dừa khuyên nên ăn dừa và uống nước dừa.
- Đạo Dừa hoạt động rất “tích cực” trong những năm 1945 đến năm 1975. Tuy nhiên kể từ sau khi hòa bình lập lại (1975) thì Đạo Dừa bị cấm hoạt động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đạo này, nhưng chung quy lại chúng ta có thể nhận thấy rõ là:
- Thứ nhất: Đạo Dừa không có một đường lối, giáo lí rõ ràng, thậm chí có phần hài hước. Chỉ là kế thừa và rút tỉa tinh hoa từ những Tôn giáo khác, vả lại ông đề ra rất nhiều quy luật quá khắc khe cho các tín đồ, trái với khoa học.
- Thứ hai: Sau những năm 1975, cùng với những hoạt động bất hợp pháp của mình, hay vi phạm các hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Và đặc biệt là phản cảm.
Ông đạo Dừa (The Coconut Monk) là ai?
- Giáo chủ Đạo Dừa tên thật là Nguyễn Thành Nam sinh ngày 25 tháng chạp, năm kỷ dậu (giấy khai sinh ghi là ngày 22/4/1910), tại xã Phước Thạnh, Tổng An Hòa, Huyện Trúc Giang, Tỉnh Kiến Hòa (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
- Vào năm 1945, đây là năm bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Nguyễn Thành Nam, là giai đoạn sơ khai hình thành “Đạo Dừa”.
- Giáo chủ Nguyễn Thành Nam tự cho mình là đấng tái sinh của vua Minh Mạng, là Thiên Nhơn giáo chủ Thích Hòa Bình, ở giáo phái của ông đó chính là sự tổng hòa của nhiều tôn giáo: từ Nho, Phật, Lão cho đến Ki tô giáo.
Cuộc đời và sự nghiệp của giáo chủ Nguyễn Thành Nam
- Nguyễn Thành Nam được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, nhiều quyền thế. Mẹ là bà Lê Thị Sen. Cha là ông Nguyễn Thành Trúc – là một cựu cai tổng thời Pháp thuộc từ những năm 1940 đến năm 1944, Ông Trúc có tới ba người vợ và Nguyễn Thành Nam là con của người vợ cả. Vì thế ông được thừa hưởng rất nhiều quyền lợi, còn được tạo điều kiện để đi sang Pháp du học.
- Sau khi hoàn tất bậc sơ học ở An Hòa, ông sang Mỹ Tho học tiếp rồi lên Sài Gòn, vào Trường Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký). Năm 1928, Nguyễn Thành Nam qua Pháp, học ngành Hóa tại Trường cao đẳng Hóa chất ở thành phố Rouen, cách Paris khoảng 150km về phía đông bắc. Cũng có tin nói rằng ông đã tốt nghiệp kỹ sư Hóa ở Đại học Sorbone nhưng theo nhà báo Wilbur E. Garrett, ông chỉ học bậc cao đẳng, mà học trường tư.
- Năm 1932, Nguyễn Thành Nam về nước. Cuối năm 1935, đám cưới “cậu Hai” với cô Lộ Thị Nga, người Gò Công được tổ chức linh đình, kéo dài suốt 4 ngày. Hai năm sau, bà Nga sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thị Khiêm. Đó cũng là người vợ và đứa con duy nhất của ông “đạo Dừa”.
- Sau khi lấy vợ, thay vì ra làm việc cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp, thấy Bến Tre là xứ có nhiều dừa nên Nguyễn Thành Nam nghĩ ngay đến việc sản xuất xà bông. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, hãng xà bông Thiên Nam của ông sập tiệm vì không cạnh tranh nổi với xà bông Cô Ba, tên thật là Trần Ngọc Trà (còn được gọi là cô Ba Trà), vợ của doanh nhân Trương Văn Bền, người đi đầu trong ngành sản xuất xà bông ở miền Nam.
- Thất bại trong kinh doanh, năm 1945 Nguyễn Thành Nam bỏ nhà ra đi. Cho đến bây giờ, chuyện “cậu Hai” lên núi này, chùa kia tu hành chỉ là chuyện “nghe kể lại” nhưng 5 năm sau, khi trở về xã Phước Thạnh, “cậu Hai” dựng đài bát quái cao 14m, đêm đêm lên ngồi tu niệm, thức ăn chủ yếu là trái dừa vào những ngày lẻ, còn ngày chẵn thì bắp nấu, đậu luộc, trái cây và chỉ ăn đúng giờ Ngọ.
- Bởi vì trong thời gian tu đạo của mình, Cậu Hai chỉ toàn ăn trái cây và uống nước dừa xiêm. Nguyễn Thành Nam cũng từng nói rằng: “25 năm bần đạo không uống nước sống, nước mưa, chỉ uống nước dừa xiêm và nước mía”. Thậm chí ông còn dùng nước dừa để rữa hoa quả ăn, “Đài bát quái” mà Cậu Hai dựng đầu tiên cao 14 mét ở xã Phước Thạnh cũng toàn bằng dừa. Người đời thường gọi “Đạo Dừa” từ thuở đó.
- Vì biến động của thời cuộc, vào năm 1963, Cậu Hai dời toàn bộ cơ sở về mũi phía đông Cồn Phụng (thuộc xã Tân Thạch-Châu Thành) gần bến phà Rạch Miễu cũ. Tại đây ông cho xây dựng chùa Nam Quốc Phật – có cả Cửu Đỉnh, sân Rồng, phi thuyền Apollo, bản đồ hình chữ S, Tháp Chuông Hòa Bình, khu vực Thất Sơn…Ông còn mua thêm xà lan lớn 3 tầng, trên đó có cả tháp đài, nhà khách, vườn hoa…Và từ đây, Giáo chủ Nguyễn Thành Nam bắt đầu những tháng ngày truyền bá tư tưởng đạo pháp.
- Mỗi năm “cậu” tắm một lần vào rằm tháng 4 âm lịch. Nhà báo Wilbur E. Garrett viết: “Sát bờ cồn Phụng, ông đạo Dừa thuê làm một chiếc tàu bằng sắt, trang trí rồng phượng cùng hoa hòe hoa sói lòe loẹt, gọi là thuyền Bát Nhã. Ở khoảng trống trước mũi thuyền, ông đặt những chiếc ghế cho khách ngồi. Mỗi khi có các nhà báo đến phỏng vấn, quay phim, ông ngồi trên chiếc đôn bằng đá, hai đệ tử đứng hai bên, trước mặt đặt cái điện thoại đã cắt đứt dây mà theo lời ông, ông chỉ cần liên lạc bằng tâm linh! Chính hai đệ tử này là người trả lời những câu hỏi của khách, thỉnh thoảng ông mới viết ra giấy để họ kể thêm về những chi tiết ông quên nói ra…”.
- Năm 1960, ông “đạo Dừa” gây ra một chuyện kinh thiên động địa. Ấy là ông viết thư cho Ngô Đình Diệm để bàn về giải pháp hòa bình, trong đó ông đề nghị Diệm cho tất cả các sĩ quan, tướng tá, binh lính giải ngũ về làm dân, không còn ai cầm súng là sẽ có hòa bình ngay tắp lự! Trong thư, ông tự xưng mình là “Thiên nhơn giáo chủ”, có nhiệm vụ xuống thế gian để khôi phục lại nền hòa bình vĩnh cửu cho loài người, và “Hòa đồng tôn giáo” do ông lập ra (bao gồm Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo và đạo Thiên Chúa) là cứu tinh của nhân loại. Cuối thư, ông đề nghị Diệm công nhận “Hòa đồng tôn giáo” là… quốc giáo!
- Lẽ dĩ nhiên lá thư đó chẳng bao giờ đến tay Ngô Đình Diệm. Một tuần lễ kể từ khi gửi thư, bác sĩ Trần Kim Tuyến, người đứng đầu Sở Nghiên cứu chính trị sai mật vụ xuống bắt Nguyễn Thành Nam rồi giam tại Ty Cảnh sát Kiến Hòa. Sau nhiều ngày xác minh, thẩm vấn, mật vụ kết luận “cậu Hai” bị điên bởi lẽ nằm trong trại giam, ngoài cách nói chuyện kỳ quặc, “cậu Hai” còn lấy chiếc chiếu quây thành vòng tròn, mọi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, phóng uế, “cậu” đều làm ở trong đó, mùi hôi thối xông lên nồng nặc!
- Lẽ ra, họ tống “cậu” vào Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa) nhưng do gia đình bảo lãnh nên Sở Nghiên cứu chính trị tha “cậu” về quê. Tuy nhiên, Trần Kim Tuyến ra lệnh nếu để “cậu Hai” lọt lên Sài Gòn thì các trưởng ty cảnh sát Kiến Hòa, Định Tường, Long An mất chức hết.
Những hành động “khó đỡ” của ông đạo Dừa
- Trở lại quê nhà, ông “đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam chọn Cồn Phụng làm nơi tu hành. Việc xây chùa Nam Quốc Phật, sân Chín Rồng, đóng thuyền Bát Nhã, tháp Hòa Bình (gồm hai tháp là “miền Bắc Hà Nội, miền Nam Sài Gòn”) với màu sắc rực rỡ, cờ phướn lòe loẹt đã khiến nhiều người đến xem vì tò mò. Dần dà, nghe ông Nam giảng đạo, số đệ tử gia nhập “đạo Dừa” ngày một tăng lên.
- Nhà báo Wilbur E. Garrett giải thích: “Phần lớn dân quê khi ấy đều ít học trong lúc những bài giảng của ông đạo Dừa lại giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Bằng cách pha trộn giáo lý Phật giáo, Thiên Chúa giáo với tư tưởng đạo Lão, đạo Nho, khuyên bảo con người làm lành lánh dữ, lấy chữ “Tâm”, chữ “Đức” làm trọng, cộng với những chuyện thần quyền kỳ bí nên số người theo ông mỗi ngày một nhiều. Hơn nữa, thời điểm ấy chính quyền Ngô Đình Diệm không bắt lính trong giới tăng lữ, tu sĩ nên rất nhiều thanh niên vào đạo để trốn quân dịch, kể cả một số tội phạm cũng vào đạo để tránh truy nã”.
- Tuy nhiên, từ cuối năm 1960 trở đi, càng ngày “cậu Hai” càng “lâm” nặng những chuyện mê tín dị đoan. Mỗi lần mở lời, ông Nam đều xưng mình là người từ cõi trên xuống, được giao sứ mệnh “giữ yên vận mạng quốc gia, kiến tạo hòa bình thế giới”. Ông cho rằng chỉ một mình ông mới đủ tư cách đại diện Việt Nam để gặp gỡ ngang hàng với bất kỳ một tổng thống, quốc vương hay thủ tướng nào trên thế giới. Ông coi Đức Giáo hoàng, người lãnh đạo tinh thần của Thiên Chúa giáo, Đức Tăng thống, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo là những người “bằng vai phải lứa” với ông vì theo ông: “Mai mốt Hòa đồng tôn giáo sẽ thống lĩnh tất cả”(?!).
- Và mặc dù Cảnh sát Kiến Hòa theo lệnh Trần Kim Tuyến giám sát ông “đạo Dừa” rất chặt chẽ nhưng không ai cấm ông viết thư, nên ngày 2/10/1961, ông lại gửi thư cho Ngô Đình Diệm, đề nghị được sang Angkor Thom, Angkor Vat, tỉnh Siem Reap, Campuchia để cùng 18 “ông đạo” khác, cầu nguyện cho hòa bình. Ngày 15/10, đích thân viên Phó ty Cảnh sát Kiến Hòa đến cù lao Phụng gặp ông, thông báo “cấm cậu Hai ra khỏi nơi cứ trú, chuyện hòa bình có chính phủ lo”.
- Quyết không bỏ cuộc, cuối năm 1962, “cậu Hai” cùng 18 đệ tử bí mật chuẩn bị một chiếc ghe bầu với đầy đủ lương thực, dự định ngược dòng Mekong lên Phnôm Pênh rồi từ đó đi biển Hồ, Siem Reap nhưng ghe vừa khởi hành chưa được bao xa thì đã bị lực lượng Giang cảnh phát hiện, chặn lại khám xét rồi đuổi về. Đến sáng mùng 2 tết Nhâm Dần, ông lại cùng 18 đệ tử lặng lẽ xuống Châu Đốc, sang Campuchia. Nhưng khi đoàn của ông đến Phnôm Pênh thì bị cảnh sát bắt giữ vì nhập cảnh trái phép.
- Nghe được tin này, cháu ruột ông Nam là bà Huyền (pháp danh Diệu Ứng – người mà năm 1971 sẽ đứng chung liên danh tranh cử tổng thống với ông, làm phó tổng thống) đã đến Ty Cảnh sát Kiến Hòa trình báo. Biết rằng cấp ty không giải quyết được, viên trưởng ty gọi lên Tổng nha Cảnh sát ở Sài Gòn. Cuối cùng, đích thân Trần Kim Tuyến phải can thiệp với Cảnh sát Campuchia nên ông “đạo Dừa” mới được thả.
- Wilbur E. Garrett viết: “Đảo chính lật đổ anh em Diệm Nhu nổ ra vào ngày 1/11/1963 thì chỉ 15 ngày sau, Nguyễn Thành Nam lên Sài Gòn. Lần này ông đi công khai với cờ quạt kèn trống vì lệnh giám sát ông đã tan theo cùng với sự sụp đổ của chính quyền họ Ngô. Tại trụ sở Hòa đồng tôn giáo ở Phú Lâm, ông “đạo Dừa” thảo một văn bản, đề nghị Hội đồng quân nhân cách mạng cho ông ra nước ngoài để gặp gỡ lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật…, bàn việc “hòa bình cho Việt Nam”.
- Văn bản gửi đi nhưng không hề có hồi âm bởi lẽ lúc đó, những người cầm đầu cuộc đảo chính trong Hội đồng quân nhân cách mạng còn phải giải quyết nhiều vấn đề nên hơi đâu mà họ để ý đến một người nửa điên nửa tỉnh như ông.
- Không ra nước ngoài được, ông viết thư gửi Tổng thống Kennedy của Mỹ, Thủ tướng Wilson của Anh, Tổng thống Charles de Gaulle, Pháp… thông qua Tòa Đại sứ của các quốc gia này ở Sài Gòn, đề nghị được tiếp kiến. Nhưng cũng như văn bản gửi Hội đồng quân nhân cách mạng, cho đến lúc ông chết (1990), “đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam chưa bao giờ nhận được câu trả lời từ những nguyên thủ này.
- Ngày 28/2/1964, khi tướng Nguyễn Khánh truất phế chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ rồi lên làm thủ tướng thì ngay lập tức, ông “đạo Dừa” lại viết thư gửi Nguyễn Khánh. Trong thư, ông đề ra thuyết “bất chiến tự nhiên thành” (nghĩa là không cần phải đánh nhau mà vẫn thành công). Ông cam kết nếu không thực hiện được, ông sẽ chịu mọi hình phạt của Chính phủ quốc gia và quốc tế (?!).
- Wilbur E. Garrett viết: “Ngày 12/3 năm ấy, khi biết tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là McNamara đến Sài Gòn, ông “đạo Dừa” cùng hai đệ tử xách hai chiếc lồng, một chiếc có một con mèo và một chiếc có một con chuột, đến Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn xin gặp Mc Namara. Thời điểm này, tôi đang đưa tin về chuyến đi của ông Bộ trưởng nên lúc nghe Thủy quân lục chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Tòa Đại sứ báo vào, rằng có một người ăn mặc rất dị hợm đi cùng hai người khác, muốn gặp bộ trưởng thì tôi biết ngay là Nguyễn Thành Nam…”.
- Wilbur E. Garrett bước ra. Thấy người quen, ông “đạo Dừa” mừng quá. Ông nói ông muốn gặp McNamara để nêu lên kế hoạch “bất chiến tự nhiên thành” và nếu McNamara nghe theo lời ông thì Việt Nam hết đánh nhau! Người Mỹ khỏi cần cử cố vấn và viện trợ súng đạn làm gì nữa.
- Nhằm chứng minh cụ thể, ông “đạo Dừa” bắt con chuột cho vào lồng mèo. Xem chừng như gặp lại “người quen”, con mèo chẳng những không ăn thịt con chuột mà còn tỏ vẻ thân thiện. Wilbur E. Garrett viết: “Chuyện ấy chẳng có gì lạ vì nếu đồng thời nuôi chung giữa chuột và mèo ngay từ lúc nó còn sơ sinh thì khi lớn lên, thường nó coi nhau như bạn”. Tuy nhiên, báo chí Sài Gòn khi đó đã thổi phồng chuyện này, coi đây là hiện tượng lạ chưa từng thấy mà mục đích là để bán báo chứ không vì kế hoạch viển vông của ông “đạo Dừa”. Với người Mỹ, họ coi ông là một kẻ tâm thần không hơn không kém!
- Tháng 5/1965, “cậu Hai” tung ra một chiêu khác: Nửa đêm, cồn Phụng đột nhiên đèn đuốc sáng rực, tiếng chuông tiếng mõ khua inh ỏi rồi một chiếc xe hơi chạy hối hả về phía bến phà Rạch Miễu để đưa “cậu Hai” lên Sài Gòn chữa bệnh hiểm nghèo. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy rồi sau khi thăm khám, bệnh viện cử một y tá chuyển ông qua một bệnh viện khác trong lúc ông cứ nằng nặc xin ra nước ngoài điều trị, vì theo lời ông, ông mắc phải bệnh “trướng nước”.
- Lúc kể lại chuyện này với Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM, tôi đưa ông xem tấm ảnh chụp ông “đạo Dừa” khi vừa bước xuống xe. Nhìn tấm ảnh, bác sĩ Thái khẳng định đó là bệnh viện Chợ Quán (nay là bệnh viện Tâm thần TP HCM), chuyên điều trị… người điên vì bác sĩ Thái đã làm việc ở BV này từ trước tháng 4/1975. Bác sĩ Thái nói: “Như vậy là khi ấy, Chợ Rẫy đã xác định thần kinh ông Nam không bình thường”.
- Năm 1974, ông “đạo Dừa” lại gây ra một chuyện động trời nữa nhưng lần này nó chỉ liên quan đến cá nhân ông chứ không dính líu gì đến “hòa bình thế giới”. Ông N. (lúc ấy là Quận trưởng Cảnh sát của một quận ở Kiến Hòa – Bến Tre ngày nay), hiện sống ở TP HCM kể tôi nghe là khi đó, ông cùng một số nhân viên sang cồn Phụng để truy nã một đối tượng hình sự. Tại đây, ông được biết có một gái mại dâm tên Mỹ, hành nghề tại Mỹ Tho, chẳng hiểu gặp chuyện buồn phiền chi đó nên cô ta tự tử.
- Được cứu sống rồi được bà Huyền – cháu ruột ông “đạo Dừa” đưa về cồn Phụng nuôi dưỡng. Thế nhưng chỉ một thời gian sau, bỗng dưng ông “đạo Dừa” đưa cô này lên “đài bát quái” ở luôn với ông. Ông N. cho biết theo lời kể của bà Huyền thì hằng ngày, đệ tử của ông bỏ dừa, bắp, đậu, khoai, trái cây vào một cái giỏ để ông “đạo Dừa” kéo lên. Còn tất cả những thứ phóng uế của cả hai người, ông “đạo Dừa” cũng bỏ hết vào giỏ, thả xuống cho đệ tử mang đổ.
- Hành động của ông đã khiến các đệ tử đâm ra nghi ngờ về những lời rao giảng của ông, nhất là khi ông chủ trương “đạo Dừa” là đạo “bất tạo con” – nghĩa là trai gái trần truồng sống chung với nhau nhưng không quan hệ tình dục. Từ đó nhiều người lặng lẽ ra khỏi đạo.
Những câu chuyện ly kỳ về Cậu 2 Đạo Dừa
Chở 1 triệu đồng đi ứng cử… Tổng thống!
Sáng ngày 1/8/1971, một toán Giang cảnh (là đơn vị thuộc quân đội Sài Gòn, phụ trách an ninh đường sông) trong lúc chốt chặn tại ngã ba sông Tiền và kênh Chợ Gạo đã tiến hành kiểm tra một chiếc ghe giăng đầy những lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, trên mui ghe có tấm biểu ngữ nền vàng chữ đỏ: “Tôn giáo hòa đồng – Ứng cử tổng thống”.
Trước mũi ghe, một người đàn ông tuổi trạc 40, mặt mũi quắt queo, đầu trọc nhưng phần tóc sau ót lại được để dài rồi vấn thành một vòng ngang trán. Ông ta ở trần, mình khoác tấm vải màu vàng, có dây thắt ngang lưng và kèm theo là một chiếc chìa khóa to đùng, ngồi xếp bằng, hai tay chắp trước ngực. Sau lưng ông có 6, 7 người khác, quần áo nâu, tóc búi tó củ hành, đầu bịt khăn, đứng thành hai hàng như thể đang “hộ giá” ông áo vàng kia.
Khi toán Giang cảnh lên ghe kiểm soát giấy tờ, mới hay người khoác tấm vải màu vàng là “đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam, từ cồn Phụng, xã Phước Thạnh, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) lên Sài Gòn để vào Tối cao Pháp viện nộp 1 triệu đồng tiền ký quỹ ứng cử tổng thống, sẽ diễn ra vào giữa tháng 9/1971 (1 lượng vàng lúc ấy giá khoảng 7 nghìn đồng). Lục soát ghe, toán Giang cảnh phát hiện hàng chục chiếc cần xé, chiếc nào chiếc nấy đựng đầy những đồng tiền kim loại. Sau này khi kiểm đếm thì đúng là ghe chở theo 1 triệu đồng thật, nhưng mà toàn loại bạc cắc 1 đồng!
Trước sự việc kỳ lạ ấy, nhất là phần lớn những người trên ghe đều ở trong độ tuổi phải đi lính nhưng không ai có giấy hoãn dịch, toán Giang cảnh liền áp tải chiếc ghe về Bộ chỉ huy Giang đoàn 81, đóng tại Mỹ Tho. Sau khi bộ phận An ninh Quân đội Sài Gòn đến thẩm tra, họ kết luận Nguyễn Thành Nam bị bệnh tâm thần vì ông khẳng định nếu trở thành tổng thống, một tuần sau Việt Nam sẽ có hòa bình.
Lúc viên sĩ quan An ninh Quân đội phụ trách thẩm vấn ông, hỏi bằng cách nào để có hòa bình trong một tuần thì ông “đạo Dừa” điềm nhiên trả lời: “Tôi sẽ mời mấy anh em ngoài Bắc vô, giao chính quyền cho họ là xong!”. Hỏi ông làm sao có đủ 40 chữ ký ủng hộ của dân biểu hoặc nghị sĩ Quốc hội và 100 chữ ký ủng hộ của các nghị viên hội đồng tỉnh để ra ứng cử tổng thống theo luật định thì ông cười: “Tôi nói là họ nghe tôi hết”.
Cuối cùng, chính quyền Sài Gòn ra quyết định tịch thu 1 triệu đồng rồi đuổi ông “đạo Dừa” về lại địa phương, còn những người trên ghe bị liệt vào tội trốn quân dịch, bị đưa lên Sài Gòn, vào Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, đi lính.
Sở dĩ có chuyện “đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam chở 1 triệu đồng bạc cắc từ cồn Phụng lên Sài Gòn ứng cử là vì thời điểm ấy, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống lần thứ hai. Sau khi gạt Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi liên danh với mình (nhiệm kỳ 1967-1971 Kỳ là Phó tổng thống, Thiệu là Tổng thống) và cũng để vô hiệu hóa những ứng cử viên khác, Thiệu chỉ đạo một số dân biểu tay sai trong Hạ viện vận động để thông qua một đạo luật, có hiệu lực từ ngày 3/8/1971, quy định bất cứ người nào muốn ra tranh cử tổng thống thì đều phải có 40 chữ ký ủng hộ của dân biểu hay nghị sĩ Quốc hội và 100 chữ ký của các thành viên trong hội đồng tỉnh, đồng thời phải nộp tiền ký quỹ là 1 triệu đồng.
Dù thừa tiền nhưng do không đủ chữ ký ủng hộ, Nguyễn Cao Kỳ rút lui còn Dương Văn Minh cũng từ chối ra tranh cử nên cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên duy nhất (mà dân Sài Gòn hồi ấy gọi là “độc diễn”). Kết quả Nguyễn Văn Thiệuđắc cử tổng thống lần thứ hai với 94% số phiếu bầu (?!).
Không chịu thua, một tuần lễ trước ngày hết hạn ký quỹ, ông “đạo Dừa” tiếp tục lên Sài Gòn nộp tiền ứng cử. Theo nhà báo Wilbur E. Garrett, lúc ấy viết cho tờ Life và là người rất am hiểu về ông “đạo Dừa” vì đã có 2 năm tìm hiểu về cái tôn giáo mà anh ta cho là quái dị thì rút kinh nghiệm lần trước, lần này ông “đạo Dừa” lặng lẽ thuê 2 chiếc xe đò khởi hành từ lúc 3 giờ sáng, chiếc thứ nhất chở ông cùng những đồng đạo đã lớn tuổi để tránh cho họ khỏi bị bắt lính, chiếc thứ hai chở theo 1 triệu đồng tiền giấy. Tuy nhiên, do có mật báo nên khi xe vừa đến trạm kiểm soát Phú Lâm thì bị cảnh sát chặn lại, tịch thu tiền rồi đuổi về.
Chiếc xe đò quay đầu và khi chạy được một đoạn, Nguyễn Thành Nam kêu tài xế dừng lại rồi cùng hai tùy tùng leo lên xe lam, trà trộn với hành khách. Đến trước chợ Bến Thành, ông xuống xe, đứng thuyết giảng về “hòa đồng tôn giáo” và kêu gọi mọi người ủng hộ ông làm tổng thống. Ông nói nếu đắc cử thì ông chỉ “mần việc” đúng 7 ngày thôi. Có người cắc cớ hỏi ông đã là tổng thống, sao không ngồi hết nhiệm kỳ 4 năm chứ mắc mớ gì mà chỉ làm 7 ngày, thì ông trả lời: “7 ngày là đất nước hòa bình rồi, về đi tu cho khỏe”.
Chuyện ông “đạo Dừa” ra tranh cử tổng thống được báo chí thời bấy giờ thêu dệt thêm nhiều huyền thoại, thậm chí có tờ báo còn viết rằng 1 triệu đồng tiền giấy mà ông mang theo là tiền… âm phủ! Khi bị cảnh sát tịch thu số tiền này, ông đã nói: “Cậu Hai (thói quen xưng hô của ông) có đem sẵn đây 1 triệu đồng bạc thiệt để ký quỹ nhưng cậu Hai dại gì tốn tiền cho mấy ông dân biểu ký tên giới thiệu cho cậu ra ứng cử. Tiền đâu mà cho mấy ông đó, có cho thì cho giấy lộn, hoặc sang lắm thì cho giấy tiền vàng mã. Nếu tốn bằng giấy vàng mã để mua chữ ký của dân biểu thì may ra cậu Hai chịu”.
Theo nhà báo Wilbur E. Garrett, số tiền ông “đạo Dừa” mang theo để tranh cử là tiền thật vì lúc ấy, “đạo Dừa” có hơn 40 nghìn tín đồ nên việc vận động quyên góp 1 triệu đồng không phải là khó lắm.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về Đạo Dừa một giáo phái “Độc lạ” đã từng tồn tại ở Bến Tre trước những năm 1990. Quý khách có nhu cầu tham quan du lịch tại Cồn Phụng (cồn ông Đạo Dừa) vui lòng liên hệ để được hỗ trợ tư vấn và báo giá!